TRANG CHỦ > Quy định về việc trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích

Quy định về việc trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích

Hỏi: Em bị người ta hành hung gây thương tích. Em đã tới cơ quan công an trình báo làm đơn tố giác về việc người ta hành hung em gây thương tích. Em bị rách mi trên và mi trong xuất huyết giác mạc, giãn đồng tử đau ê ẩm, một số chỗ xưng phù nề, phải khâu 4 mũi ở mắt và nằm điều trị. Nhưng em không nằm viện mà em điều trị tại nhà ra phòng khám tư nhân của bác sĩ về hưu điều trị giúp. Và em muốn giám định tổn thương sức khoẻ thì giám định như thế nào ? đây là câu hỏi của bạn Chiến (Đồng Nai).

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến VPLS Quang Dũng và Cộng sự, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì hiện bạn đang điều trị bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nên không có bệnh án. Hiện nay, bạn cần làm giám định thương tật để biết mình bị thương tật bao nhiêu phần trăm.

Căn cứ theo quy định tại Điều 205 về Trưng cầu giám định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

2. Quyết định trưng cầu giám định có các nội dung:

a) Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;

b) Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định;

c) Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;

d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

đ) Nội dung yêu cầu giám định;

e) Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.

3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 về Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp của Luật giám định tư pháp 2012 như sau:

1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có quyền:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Đối với trường hợp này của bạn, bạn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành giám định thương tích của bạn do bị hành hung. Nếu như thấy việc giám định là cần thiết thì có quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục trưng cầu giám định. Bạn nên giám định sức khỏe trong thời gian hiện tại để biết chính xác nhất về mức thương tật của mình và để cơ quan điều tra có cơ sở khởi tố người gây ra thương tích đối với bạn ra trước pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Việc bạn không đi lại được không ảnh hưởng đến việc trưng cầu giám định. Gia đình bạn có thể thu xếp đưa bạn di giám định để xác định tỷ lệ thương tích một cách chính xác nhất.

Trên đây là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi, nếu bạn còn vướng mắc và cần tư vấn chi tiết, cụ thể hơn xin vui lòng liên hệ: Văn phòng Luật sư Quang Dũng và Cộng sự, Số 08, phố Chợ Tre, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Số điện thoại: 0983 230 137.

Tin tức khác

Tội Lừa Đảo Chiếm Đoạt Tài Sản Theo Điều 174 Bộ Luật Hình Sự

Tội Lừa Đảo Chiếm Đoạt Tài Sản Theo Điều 174 Bộ Luật Hình Sự

Tôi muốn biết khi nào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến hình phạt tù chung thân ? – Nguyễn Hương (Lâm Đồng)

Nguyên Tắc Xử Lý Hình Sự Đối Với Người Dưới 18 Tuổi Phạm Tội

Nguyên Tắc Xử Lý Hình Sự Đối Với Người Dưới 18 Tuổi Phạm Tội

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Tuổi càng ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế; ngay đối với người cùng độ tuổi, không phải người nào cũng có khả năng nhận thức như nhau, người ở thành phố nhận thức khác người ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ văn hóa cao nhận thức khác người có trình độ văn hóa thấp…