Điều đáng ghi nhận trong trường hợp này là việc xử lý hành vi sai phạm của vị Thượng tá Công an đã diễn ra kịp thời, minh bạch và công khai với hình thức kỷ luật thích đáng.
Những trường hợp tương tự như trên khá phổ biến trong lĩnh vực văn hóa giao thông. Sau khi va chạm thường xảy ra xô xát, không ít các chủ phương tiện tỏ ra mình là “ông nọ, bà kia” với thái độ không chỉ coi thường người khác mà còn thể hiện sự “đứng trên” và “đứng ngoài” pháp luật. Uống rượu mà lái xe là vi phạm phát luật rõ ràng, đi sai làn cũng vậy, nhưng bất chấp đúng sai còn hành hung người khác. Điều này thể hiện ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa ứng xử kém của người vi phạm.
Một trường hợp khác ở TP.T, tỉnh T, một ô tô va chạm với xe máy. Người điều khiển xe máy ngồi chắn trước ô tô, bị người lái ô tô cầm gậy chơi gôn xuống đánh vào chân. Anh này giật gậy đánh lại khiến người kia phải nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não.
Có những va chạm rất nhỏ trong giao thông của một nhóm học sinh cũng gây ra ẩu đả khiến một em tử vong. Rất nhiều vụ tương tự như vậy, va chạm nhỏ nhưng xảy ra xung đột lớn và hậu quả nghiêm trọng.
Có những trường hợp rất “bất bình thường”. Ví dụ, cô gái lái xe ở TP. HP vượt đèn đỏ rồi cố thủ trong xe, ngả ghế nằm, bật nhạc, xem điện thoại đến hai tiếng đồng hồ gây ách tắc giao thông và làm khó cho những người xử lý. Hoặc tình trạng xe chiếm phần đường bên trái của cao tốc rồi đi chậm, không cho xe khác vượt khiến cả một đoàn xe phải chạy chậm phía sau.
Văn hóa giao thông còn thể hiện ở thái độ và hành vi ứng xử, kiến thức và ý thức pháp luật của cả người giữ gìn trật tự giao thông với người tham gia giao thông. Có thể nhận định, văn hóa giao thông phần nào phản ánh đời sống pháp luật của một cộng đồng, từ ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông tới việc xử lý của người thực thi pháp luật.
Nguồn: Báo pháp luật Việt Nam