TRANG CHỦ > Các tranh chấp Hợp đồng vay tài sản thường gặp

Các tranh chấp Hợp đồng vay tài sản thường gặp

Hợp đồng vay tài sản là gì ? các tranh chấp về hợp đồng vay thường gặp là gì ?

1. Hợp đồng vay tài sản là gì ?

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015, Hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thông thường, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là 1 khoản tiền. Tuy nhiên trong thực tế đối tượng còn có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc 1 số lượng tài sản khác. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản được chuyển từ bên cho vay sang bên vay làm sở hữu. Bên vay có quyền định đoạt tài sản vay. Khi hết hạn hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản vay hoặc số tiền đã vay hoặc vật cùng loại.

Hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng hoặc văn bản.

2. Thế nào là tranh chấp hợp đồng vay tài sản ?

Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng vay.

Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận trong hợp đồng. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng,…

3. Các tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp

3.1. Tranh chấp vay tài sản liên quan đến chủ thể ký hợp đồng

Chủ thể của hợp đồng vay tài sản có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đối với một bên chủ thể là cá nhân thì phải là người có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với chủ thể là tổ chức thì người ký kết hợp đồng phải là người đại diện theo pháp luật, người được người đại diện theo phát luật ủy quyền có thẩm quyền ký kết

Trên thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền như: Không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết. Bên cạnh đó, tranh chấp có thể do Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty/tổ chức tín dụng, ngân hàng, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền.

Điều này dẫn đến những tranh chấp bởi khi Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Các cá nhân vay tài sản nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự, mắc bệnh tâm thần hoặc các trường hợp khác ảnh hưởng đến năng lực hành vi cũng sẽ dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên còn lại.

3.2. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản do không có giấy giao nhận tiền, tài sản

Đối với trường hợp cho vay có làm hợp đồng vay tài sản nhưng trong điều khoản của hợp đồng không ghi cụ thể việc giao nhận tiền thì rất dễ phát sinh tranh chấp về việc bên vay đã nhận tiền hay chưa?

Với các vụ việc này, khi đưa tranh chấp ra cơ quan tòa án giải quyết thì nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền, nếu bị đơn thừa nhận đã nhận tiền thì nguyên đơn không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nếu bị đơn không thừa nhận cho rằng chỉ mới ký hợp đồng nguyên đơn chưa giao liền nên không chấp nhận trả thì phải yêu cầu nguyên đơn chứng minh việc giao nhận tiền, nếu nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ để chứng minh việc giao nhận tiền thì không đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Vậy nên, trong hợp đồng vay, các bên cần thỏa thuận rõ ràng về vấn đề thời điểm giao nhận tài sản vay và nên có giầy giao nhận tiền, biên bản giao nhận có đủ chữ ký của các bên để hạn chế xảy ra tranh chấp sau này.

3.3. Tranh chấp phát sinh khi bên vay chậm trả nợ

Thông thường, trong hợp đồng vay/cho vay, các bên sẽ thỏa thuận rõ ràng về số tiền vay, tài sản vay, lãi suất, thời điểm trả.... Và bên vay cam kết phải trả các khoản vay đúng thời hạn theo hợp đồng. Tuy nhiên thực tế, các tranh chấp hợp đồng vay tài sản phát sinh khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, trả tiền không đúng hạn

Bên cạnh đó, điều này còn phức tạp hơn khi liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng. Nhiều trường hợp khi giao dịch vay tài sản chỉ cỏ một người đứng tên vay tiền, nhưng khi bên vay không trả nợ thì bên cho vay yêu cầu cả hai vợ chồng cùng trả nợ. Vấn đề này thực tế khá khó xác minh bởi trong 1 số vụ việc, nguyên đơn khởi kiện thì yêu cầu hai vợ chồng cùng trả nợ.

Do vậy để hạn chế mâu thuẫn về vấn đề này, ngay từ đầu, các bên cần đặt ra các điều khoản chi tiết, cụ thể về phần trả khoản Zalo vay, cũng như quy định chi tiết trách nhiệm của bên vay, nhất là khi bên vay đã kết hôn.

Vợ hoặc chồng khai không biết, không sử dụng tài sản vay nhưng Tòa không xác minh làm rõ mà buộc cả hai vợ chồng củng có trách nhiệm liên đới trả nợ vì cho rằng vay trong thời kỳ hôn nhân. Đây là nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung (quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung.

Theo quy định, một bên vợ hoặc chồng không tham gia giao dịch mà vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới chỉ trong trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu một bên vợ hoặc chồng không biết, không sử dụng tài sản vay thì không phải chịu nghĩa vụ liên đới trả nợ. Trong trường hợp nếu như nguyên đơn cho rằng một bên vợ hoặc chồng biết việc vay tiền nên yêu cầu liên đới trả nợ thì nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh vợ hoặc chồng biết và đồng tình để vợ hoặc chồng vay tiền.

3.4. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản về lãi suất cho vay

Đây là một loại tranh chấp rất phổ biến, nhất là khi người vay vay các hình thức ngoài xã hội. Dù vay dưới hình thức nào thì lãi suất vay ngoài xã hội thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngân hàng. Bên đi vay thưởng rơi vào tình trạng cần tiền gấp để thực hiện một nghĩa vụ không thể trì hoãn nên họ phải chấp nhận việc vay tiền với lãi suất cao với những rủi ro trong việc giao kết.

Khi làm ăn thuận lợi người vay trả lãi đều đặn cho người cho vay. Nhưng khi làm ăn không thuận lợi việc trả lãi đối với lãi suất mà họ thỏa thuận với người cho vay khiến họ mất khả năng thanh toán dẫn đến tranh chấp xảy ra. Khi giải quyết các trường hợp này thường có sự tranh chấp về lãi suất.

Về lãi suất. Nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên thoả thuận, tuy nhiên, nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi và cũng tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về lãi suất hoặc trong trường hợp không có cơ sở xác định thi mức lãi đã thoả thuận, “Bộ luật dân sự năm 2015" có quy định về mức lãi suất tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”.

Vậy nên, khi ký kết hợp đồng vay, bên vay phải thỏa thuận với bên cho vay một cách rõ ràng về lãi suất cho vay và chỉ nên chấp nhận mức lãi suất không vượt quá lãi suất luật quy định.

3.5. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản liên quan đến tài sản đảm bảo khoản vay

Trước đây khi nói đến vay vốn người ta hay nghĩ tới ngân hàng, song thủ tục vay vốn của ngân hàng phức tạp mất nhiều thời gian, trong khi người vay cần vốn gấp trong thời gian ngắn, nếu chờ làm thủ tục vay vốn ngân hàng sẽ làm lỡ công việc làm ăn của họ

Vì vậy, họ thường vay vốn ngoài xã hội với hình thức vay bằng tín chấp hoặc thế chấp với thủ tục vay đơn giản. Người vay có thể nhanh chóng lấy được tiền vay để giải quyết công việc mà không cần phải làm thủ tục phức tạp như vay ngân hàng. Hợp đồng vay ngoài xã hội thường được thể hiện bằng các hình thức như sau:

(*) Hợp đồng vay tin chấp

Với loại hình vay tài sản bằng hình thức tín chấp giữa người cho vay và người vay chỉ thiết lập giấy vay tiền, biên nhận vay tiền hoặc hợp đồng vay tiền (gọi chung là hợp đồng vay tiền) lrong hợp đồng vay tiền hai bên ký nhận với nhau số tiền vay, lãi suất và thời hạn trả, song cũng có trường hợp chỉ ghi nhận số tiền vay, còn lãi suất và thời hạn trả hai bên thỏa thuận ngoài.

(*) Hợp đồng vay có cầm cố giấy tờ nhà đất hoặc các tài sản có giá trị khác:

 Đối với hình thức vay có cầm cố tài sản người cho vay thường yêu cầu người vay giao giấy tờ chứng minh quyền tài sản của người vay cho người cho vay giữ để đảm bảo cho việc vay nợ mà không làm thủ tục theo đúng luật định. Khi có tranh chấp xảy ra việc cầm cố chứng minh quyền tài sản của người vay không có giá trị gì đối với hợp đồng vay. Vì vậy, khi các bên cần lưu ý việc tuyên buộc trả lại giấy tờ chứng minh quyền tài sản cho người vay.

Việc cầm cố giấy tờ nhà đất không lập thành hợp đồng cụ thể mà ghi ngay vào trong hợp đồng vay, các bên không làm các thủ tục về thế chấp theo quy định của pháp luật.

(*) Hợp đồng vay có tài sản thế chấp

Hiện nay, hình thức vay thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba ngày càng phổ biến. Vì nhiều người tin rằng chỉ cần có tài sản bảo đảm thì dù người vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ họ vẫn có thể xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán

Tuy nhiên, trên thực tế vì “bên thứ ba” không có nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng vay mà họ chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ từ hợpđồng thế chấp tài sản của chính mình nên hợp đồng thế chấp rất dễ bị tuyên vô hiệu vì nhiều lý do khác nhau. Và khi đó, bên cho vay cũng không thể kê biên tài sản bảo đảm để trả nợ

Bên cạnh đó, thực tế cũng có những tranh chấp xảy ra khi bên vay dùng tài sản là quyền sử dụng đất của mình để cùng thể chấp vay vốn ở một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, các tổ chức cho vay khác... (Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ). Điều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán khoản vay cho các bên.

Vậy nên, khi xác lập hợp đồng vay, bên cho vay cũng cần xem xét, tìm hiểu kỹ giấy tờ trong trường hợp có tài sản bảo đảm, quy định vấn đề nghĩa vụ trả nợ của bên vay một cách rõ ràng, chi tiết để hạn chế tranh chấp sau này.

(*) Tranh chấp phát sinh do hình thức giả tạo của hợp đồng vay tài sản:

Thực tế hiện nay, đã có nhiều trường hợp các bên thực hiện giao dịch vay tài sản nhưng không ký hợp đồng vay tài sản mà lại ký hợp đồng mua bán, đặt cọc tài sản và chủ yếu là hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, mua bán quyền sử dụng đất. Với các trường hợp này, bên cho vay sẽ cầm tài sản của bên vay, khi đến hạn trả nợ, nếu bên vay không trả vốn và lãi thi bên cho vay yêu cầu tiến hành thủ tục mua bán, đặt cọc tài sản.

Trường hợp này, nếu bên vay kiện lên Tòa án thì khó có thể đòi được quyền lợi của minh, vì hình thức của hợp đồng không phải là hợp đồng vay tài sản, việc mức lãi suất, hạn trả nợ và lãi không được quy định tại hợp đồng mà sẽ do các bên thỏa thuận. Mặt khác, bên cho vay sẽ đưa hợp đồng mua bán hay đặt cọc tài sản đó ra làm chứng cứ trước tòa, dẫn đến Tòa án buộc phải chấp nhận yêu cầu của phía cho vay mà không thể bảo vệ cho bên vay được.

Nếu bên vay khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng, hủy giấy tờ đứng tên bên cho vay và đồng ý trả tiền nợ và lãi theo quy định nhưng bên cho vay không chấp nhận. Để có căn cứ xác định giao dịch chuyển nhượng đất giữa hai bên có phải là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu cho hợp đồng vay tiền hay không thì cần làm rõ có giấy vay tiền không, diện tích đất được thế chấp giá trị có lớn hơn so với hợp đồng chuyển nhượng đã ký kết không có giy giao nhận tiền chuyển nhượng hay không, có giao nhận đất, nhà hay không.....

Nếu có căn cứ xác định giao dịch chuyển nhượng đất nhằm che giấu cho hợp đồng vay tiền thì tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu và các bên có tranh chấp hợp đồng vay tài sản thì không xác định lỗi của hợp đồng chuyển nhượng mà phải xem xét giải quyết hợp đồng vay và tính lãi suất theo quy định đối với số tiền bị đơn đã vay của nguyên đơn.

Như vậy, vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản do các bên ký kết các hình thức khác (giả tạo của hợp đồng vay) rất phức tạp, mất thời gian, dễ gây tổn thất cho các bên. Do đó, các bên không nên ký hợp đồng vay dưới những hình thức trên để hạn chế rủi ro sau này.

Trên đây là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi, nếu quý vị còn vướng mắc và cần tư vấn chi tiết, cụ thể hơn xin vui lòng liên hệ: Văn phòng Luật sư Quang Dũng và Cộng sự, Số 08, phố Chợ Tre, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Số điện thoại: 0983 230 137.

Tin tức khác

Khởi Kiện Đòi Tài Sản Theo Quy Định Của Pháp Luật

Khởi Kiện Đòi Tài Sản Theo Quy Định Của Pháp Luật

Theo quy định, tùy từng trường hợp mà chủ sở hữu, người chiếm hữu tài có quyền khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có kiện đòi tài sản, đây là hình thức tranh chấp khá phổ biến tại các Toà án. Trong quan hệ tranh chấp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có quyền yêu câu Tòa án, cơ quan nhà nước buộc người có hành vi xâm phạm tài sản bất hợp pháp trả lại tài sản đã chiếm hữu bất hợp pháp. Vậy hình thức tranh chấp kiện đòi tài sản là gì ? Trình tự, thủ tục đòi tài sản được quy định như thế nào theo quy định pháp luật ? Hãy cùng Chúng tôi tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Xe Hỏng Do Hầm Chung Cư Ngập Nước Thì Có Được Bồi Thường Thiệt Hại ?

Xe Hỏng Do Hầm Chung Cư Ngập Nước Thì Có Được Bồi Thường Thiệt Hại ?

Dưới ảnh hưởng của mưa bão, rất nhiều hầm chung cư bị ngập nước dẫn đến xe gửi dưới hầm bị hư hỏng. Vậy ai phải bồi thường khi xe hỏng do hầm chung cư ngập ?