I. Khái niệm và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước
1. Khái niệm
Tham nhũng là một hiện tượng có tính lịch sử, gắn liền với sự hình thành ra đời của nhà nước và có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tham nhũng cũng là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
Theo từ điển tiếng việt, thuật ngữ tham nhũng được định nghĩa là: “Lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân và lấy của”.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam: “Tham nhũng” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng). Trong đó:
- Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó (khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng).
- Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng (khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng).
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) bao gồm: cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng: Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này.
Theo đó: “Tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước” được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức (không thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm: cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được giao để vụ lợi, gây thiệt hại và đe dọa đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp/tổ chức của mình.
2. Các hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước
Các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi (khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng).
II. Chế tài xử lý hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 92 Luật phòng chống tham nhũng).
1. Xử lý kỷ luật:
- Xử lý kỷ luật theo quy định tại Nội quy lao động.
- Đối với hành vi tham ô có thể sẽ bị xử lý kỷ luật với mức cao nhất là sa thải.
- Các hành vi tham nhũng khác gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ thì căn cứ theo quy định tại Nội quy lao động của doanh nghiệp, tổ chức để xử lý theo hình thức tương ứng với hành vi và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.
2. Xử phạt vi phạm hành chính
Người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau:
2.1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú (điểm d khoản 3 Điểu 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
2.2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ (điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Các hành vi tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: Tội tham ô tài sản (điều 353); Tội nhận hối lộ (điều 354); Tội đưa hối lộ (điều 364); Tội môi giới hối lộ (điều 365).
3.1. Tội tham ô tài sản - Điều 353 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
(*) Chủ thể của tội phạm:
- Người phạm Tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (tức không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015) bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (khoản 6 Điều 353, khoản 6 Điều 354 BLHS năm 2015).
- Những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.
- Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.
- Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình... Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.
(*) Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:
- Thủ đoạn phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Nghĩa là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như một phương tiện phạm tội để biến tài sản của tổ chức, doanh nghiệp thành tài sản của mình.
- Hành vi khách quan của tội phạm: Là hành vi chiếm đoạt tài sản, được thực hiện một cách công khai hoặc bí mật. Thông thường, để che dấu hành vi chiếm đoạt, kẻ phạm tội thường có hành vi sửa chữa sổ sách, chứng từ, lập chứng từ giả, tạo hiện trường giả, tiêu hủy hóa đơn, chứng từ, đốt kho chứa tài sản, lập khống hóa đơn, chứng từ…
- Đối tượng tác động của tội phạm phải thỏa mãn hai điều kiện, đó là:
+) Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý khi người phạm tội có quyền chiếm hữu hợp pháp với tài sản.
+) Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng phải thỏa mãn một trong hai điều kiện:
(i) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
(ii) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục I Chương XXIII Bộ luật hình sự (gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
(*) Mặt chủ quan (yếu tố lỗi): Tội tham ô tài sản cũng là tội mà người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
3.2. Tội đưa hối lộ - Điều 364 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
(*) Chủ thể của tội phạm: Người phạm tội đưa hối lộ là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự tức không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình và đạt tuổi luật định là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
(*) Mặt khách quan của tội phạm: Tội đưa hối lộ đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể diễn ra trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Đối với trường hợp đưa của hối lộ sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ, giữa người nhận và người đưa phải có sự thõa thuận về của hối lộ và việc làm hoặc không làm vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi đưa của hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian, của hối lộ có thể được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác, tổ chức khác theo ý chí của người có chức vụ, quyền hạn.
- Của hối lộ có thể là:
+) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng. Trong đó “Lợi ích vật chất khác” là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự, VD: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch,...
+) Lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.
VD: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục,...
Lưu ý: Đối với trường hợp đưa lợi ích phi vật chất, việc xác định giá trị của lợi ích không có tính bắt buộc.
(*) Mặt chủ quan (yếu tố lỗi): Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
3.3. Tội nhận hối lộ - Điều 354 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
(*) Chủ thể tội phạm: Chủ thể của Tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tức không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
(*) Mặt khách quan của tội phạm (biểu hiện bên ngoài của tội phạm):
- Người nhận hối lộ thuộc 01 trong 04 trường hợp sau đây mới phạm tội nhận hối lộ:
Một là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Hai là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Ba là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII ( gồm Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Bốn là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác lợi ích phi vật chất, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
“Lợi ích phi vật chất” là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ về tình cảm, tình dục, ... Đối với trường hợp đưa lợi ích phi vật chất, việc xác định giá trị của lợi ích không có tính bắt buộc.
- Không bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ đối với các trường hợp sau:
Người nào tuy nhận hối lộ nhưng trị giá dưới 2.000.000 đồng và chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ, cũng chưa bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác hoặc đã bị kết án về một trong các tội nêu trên nhưng đã được xóa án tích thì không phạm tội nhận hối lộ.
(*) Mặt chủ quan (yếu tố lỗi): Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn thực hiện được hành vi phạm tội.
3.4. Tội môi giới hối lộ - Điều 365 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
“Môi giới hối lộ” là (hành vi) làm trung gian giữa người nhận và người đưa hối lộ theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc của cả hai. Hành vi môi giới hối lộ tạo điều kiện cho việc đạt được sự thỏa thuận hoặc để thực hiện sự thỏa thuận về đưa và nhận hối lộ.
(*) Môi giới hối lộ được biểu hiện qua nhiều hành vi đa dạng như:
– Giới thiệu người đưa hối lộ với người nhận hối lộ;
– Thúc đẩy, tạo điều kiện để hai bên đưa và nhận hối lộ xúc với nhau;
– Người môi giới có thể gặp người nhận hối lộ để truyền đạt thông tin, yêu cầu từ người đưa hối lộ hoặc ngược lại. Việc làm này có thể diễn ra một lần hoặc nhiều lần;
– Thu xếp, bố trí thời gian, địa điểm để người đưa và nhận hối lộ gặp nhau. Trong một số trường hợp, người môi giới có thể có mặt trong cuộc gặp giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ để chứng kiến hoặc tham gia vào việc đưa và nhận hối lộ.
(*) Chủ thể của tội phạm: Cũng như đối với tội đưa hối lộ, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Tuy nhiên, người phạm tội làm môi giới hối lộ cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm môi giới hối lộ, nhưng không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.
Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này khi đủ tuổi luật định là từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự tức không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
III. Một số vụ án điển hình về tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước
Các vụ án về tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước có thể kể đến một số vụ án điển hình như: Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty THHH Glonics Việt Nam; Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Hansol Electronics; Vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH DreamTech Việt Nam.
(*) Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty THHH Glonics Việt Nam
Tạ Thị Hoa là nhân viên mua hàng của Công ty THHH Glonics Việt Nam được giao nhiệm vụ mua hàng là hạt nhựa nguyên sinh.
Từ tháng 3/2019 đến tháng 6/2019, lợi dụng việc kho của K (đồng phạm) có dư thừa hạt nhựa, Hoa và đồng phạm đã lợi dụng chức năng nhiệm vụ được giao là nhân viên mua hàng của mình cấu kết với đồng phạm thực hiện mua hóa đơn GTGT, làm giả việc có mua – nhập hàng vào kho nguyên liệu của công ty, tạo lập chứng từ thanh toán khống việc mua nguyên liệu sản xuất là các hạt nhựa nguyên sinh và đã chiếm đoạt tiền thanh toán của công ty THHH Glonics với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
(*) Vụ án Đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty TNHH DreamTech Việt Nam
Đặng Thị Mỹ D là Trưởng phòng nhân sự của Công ty DreamTech, đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ của mình để tạo điều kiện, giúp đỡ cho các công ty là đơn vị cung ứng lao động thời vụ cho công ty DreamTech bằng các hành vi như:
+) Trao đổi trước về kế hoạch sử dụng lao động để các công ty/đơn vị cung ứng lao động biết trước và chủ động trong việc tuyển lao động vào công ty DreamTech;
+) Chốt giảm số tiền bị trừ về đồng phục, thẻ từ, lao động nghỉ không phép giúp cho số tiền bị trừ của công ty/đơn vị cung ứng lao động thấp hơn so với thực tế;
+) Hỗ trợ một số người lao động, sinh viên của các công ty/đơn vị cung ứng lao động vào làm việc và/hoặc quay trở lại làm việc nhưng không phải thực hiện phỏng vấn theo quy định,…
Bằng các hành vi nêu trên, Đặng Thị Mỹ D đã nhận hối lộ của các công ty cung ứng lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng, tuyển dụng và phỏng vấn lao động thời vụ vào công ty DreamTech với tổng số tiền là: 355.000.000 đồng.