1. Người đi tù có bị cấm mua bán nhà không ?
Người đang chấp hành hình phạt tù không bị cấm mua bán nhà mà chỉ bị tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước và quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước, quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân trong một số trường hợp. Cụ thể:
- Hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.
- Bị tước một số quyền công dân:
• Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước.
• Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước, quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Do đó, nếu sau khi phải vào tù chấp hành hình phạt tù thì phạm nhân vẫn được đảm bảo quyền có tài sản và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của mình trong đó có việc mua bán nhà, đất.
2. Chồng đi tù vợ có được bán nhà?
Để xem xét việc chồng đi tù vợ có được bán nhà không, bài viết sẽ nêu ra hai tình huống sau đây:
2.1 Nhà đất mua bán là tài sản chung vợ chồng
Do đi tù không bị cấm quyền mua bán tài sản trong đó có nhà, đất nên khi đi tù, người chồng hoàn toàn có thể được phép mua bán. Do đó, khi nhà, đất thuộc quyền sở hữu của người chồng thì người vợ không được tự ý mua bán mà không được sự đồng ý của người chồng.
Trong trường hợp này, để mua bán nhà đất khi chồng đang trong tù, người vợ có thể thực hiện một trong hai cách sau đây:
Cách 1: Chồng làm hợp đồng uỷ quyền cho vợ để vợ có thể nhân danh chồng thực hiện giao dịch mua bán nhà bởi theo khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.”
Do đó, người chồng có thể lập hợp đồng uỷ quyền với nội dung uỷ quyền cho người vợ được toàn quyền quyết định trong việc mua bán nhà, đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) đứng tên chồng hoặc cả hai vợ chồng.
Cách 2: Người vợ có thể cùng Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đến trực tiếp trại tạm giam mà người chồng đang chấp hành hình phạt tù để thực hiện việc ký công chứng hợp đồng mua bán nhà, đất.
Bởi khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 có quy định: “2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”
Do đó, người vợ có thể cùng với đại diện cơ quan công chứng đến trại giam để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Việc công chứng ngoài trụ sở cũng áp dụng cho cách 1. Nghĩa là, để lập và ký công chứng hợp đồng uỷ quyền, vợ cũng phải cùng Công chứng viên đến tại trại giam mà người chồng đang chấp hành hình phạt tù để thực hiện.
2.2 Nhà đất là tài sản riêng của vợ
Nếu tài sản nhà, đất là tài sản riêng của vợ thì khi chồng đi tù, vợ ở nhà có thể tự mình thực hiện việc mua bán mà không cần sự đồng ý của chồng. Bởi theo khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình: “1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.”
Theo quy định này, nếu nhà, đất là tài sản riêng của vợ thì người vợ có toàn quyền trong việc quyết định mua bán, tặng cho, thừa kế, di chúc… nhà đất mà không cần sự đồng ý của người chồng.
Do đó, cần phải xem xét chồng có quyền sở hữu với nhà đất cần mua bán không để khẳng định việc mua bán nhà, đất này có cần sự đồng ý và chữ ký của người chồng đang trong tù.
Trên đây là phần giải đáp, nếu bạn đọc còn vướng mắc và cần tư vấn chi tiết, cụ thể xin vui lòng liên hệ: Văn phòng Luật sư Quang Dũng và Cộng sự, Số 08, phố Chợ Tre, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Số điện thoại: 0983 230 137.