TRANG CHỦ > THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Thời hiệu và thời hiệu khởi kiện là gì ? Quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện như thế nào ? Thực tiễn khi giải quyết các vụ án "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" ?

I. Thời hiệu và thời hiệu khởi kiện

Chế định thời hiệu là một trong chế định quan trọng trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc dân dự.

Thời hiệu nói chung có thể được hiểu là căn cứ để xác lập hoặc xóa bỏ một quyền, bằng cách để cho một khoảng thời gian hay nói cách khác thời hiệu là khoảng thời gian để thực hiện quyền hoặc được miễn trừ nghĩa vụ.

Về mặt pháp lý, thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.”

Quyền khởi kiện là quyền con người được Hiến pháp ghi nhận. Pháp luật có các quy định đảm bảo thực hiện quyền khởi kiện, nhưng cũng quy định giới hạn thời gian để chủ thể thực hiện quyền khởi kiện, giới hạn đó gọi là “thời hiệu khởi kiện”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

 

II. Quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

1. Giai đoạn từ 01/7/1991 đến 30/6/1996

Ngày 29/4/1991 Hội đồng Nhà nước đã ban hành pháp lệnh số 52-LCT/HĐNN8 về Hợp đồng dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/1991. Pháp lệnh này đã quy định về thời hiệu khởi kiện Hợp đồng, cụ thể: tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 quy định: “1.Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm xẩy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác. Quá thời hạn này, bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện.”.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực từ ngày 29/12/1987, hết hiệu lực từ ngày 15/10/1993 (ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực) quy định tại Điều 53 của Luật này xác định hành vi mua, bán đất đai là hành vi bị cấm. Bởi vì, đất đại là sở hữu toàn dân, nhà nước sẽ giao cho nhân dân quản lý, sử dụng và không được mua, bán dưới mọi hình thức. Do đó, Pháp lệnh hợp đồng năm 1991 chỉ được áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyến sử dụng đất kể từ ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực.

Theo đó, thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 03 năm kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng, quá thời hạn này bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện.

2. Giai đoạn 01/7/1996 đến 31/12/2005

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX đã thông qua Bộ luật dân sự số 44-L/CTN. Đây là Bộ luật dân sự đầu tiên được ban hành. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 1995 không quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà chỉ đưa ra được khái niệm chung về thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 164: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc, thì mất quyền khởi kiện.”.

Tại Điều 168 Bộ luật dân sự 1995: “Thời hiệu khởi kiện bắt đầu tính từ thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”. Và không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong các trường hợp (Điều 169): “1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; 2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.”

Có thể thấy, Bộ luật dân sự 1995 đã có những quy định mới so với Pháp lệnh hợp đồng năm 1991 như: bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 1995 không quy định rõ về thời hiệu khởi kiện là bao lâu.

3. Giai đoạn từ 01/01/2006 đến 31/12/2016

Tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI đã thông qua và ban hành Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11. Bộ luật này đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn về thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng dân sự.

Tại Điều 427 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 sửa đổi bổ sung năm 2011, đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với “Tranh chấp về quyền sử dụng đất”quy định: “3. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Có thể thấy, Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011 đã có sự tiếp thu và kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Pháp lệnh hợp đồng năm 1991 về thời hiệu khởi kiện và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011 đã quy định thời hiệu khởi kiện ngắn hơn so với Pháp lệnh hợp đồng năm 1991, cụ thể: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 02 năm, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (khoản 1 Điều 159 BLDS 2005).

Ngoài ra, Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng thời hiệu đối với “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất”.

Đây là những quy định mới so với những quy định đã được Bộ luật dân sự 1995 và pháp lệnh hợp đồng năm 1991 quy định trước đó.

4. Giai đoạn từ 01/01/2017 đến nay

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã thông qua và ban hành Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13. Cả hai Bộ luật này có một số quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005:

Thứ nhất: Quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.(Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 không có quy định này). Đây là quy định mới về thời hiệu khởi kiện, phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến nhiều quan điểm trái chiều khi áp dụng trong thực tiễn.

Thứ hai: Quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” (Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm).

Có thể nhận thấy thời hiệu khởi kiện về hợp đồng theo Bộ luật dân sự 2015 được kéo dài hơn, theo đó, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 chưa quy định cụ thể thời gian nào là thời gian hợp lý để làm căn cứ xác định người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi hợp pháp bị xâm phạm.

 

III. Thực tiễn khi giải quyết các vụ án Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Qua từng giai đoạn, từng thời kỳ thì các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có những sự tiếp thu, kế thừa và dần hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, trên thực tiễn khi giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rất khó để áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày người có quyền biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhưng Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản liên quan không quy định rõ thời gian hợp lý để xác định người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm là khi nào để làm căn cứ tính thời hiệu khởi kiện.

Có nhiều trường hợp hợp đồng đã được giao kết từ lâu, đã quá 03 năm thậm chí là 10 năm nhưng đến nay đương sự mới khởi kiện dẫn đến khó khăn trong việc xác định thời điểm phát hiện quyền lợi bị xâm phạm và Tòa án không thể xác minh thời điểm tính thời hiệu có phù hợp hay không. Đến nay, pháp luật dân sự chưa có hướng dẫn hay quy định cụ thể thời gian hợp lý để bên có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Mặt khác, mỗi Tòa án lại có quan điểm giải quyết khác nhau chưa có sự thống nhất. Có nơi xác định tranh chấp về “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” là một dạng tranh chấp hợp đồng dân sự nên áp dụng thời hiệu khởi kiện, có nơi lại xác định đây là tranh chấp đất đai nên không áp dụng thời hiệu. Những quan điểm bất đồng này đến nay chưa có sự thống nhất và chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này dẫn đến việc xác định thời hiệu khởi kiện các vụ án về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có sự khác nhau.

Từ những khó khăn nêu trên dẫn đến việc thụ lý, giải quyết vụ án kéo dài, thiếu chính xác và phát sinh nhiều quan điểm gây tranh cãi về vấn đề “thời điểm nào là hợp lý để bên có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền lợi bị xâm phạm ?” hay “còn hay không còn thời hiệu khởi kiện ?”.

Thực tiễn, có rất nhiều trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng thì một trong các bên lại khởi kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất hoặc khởi kiện “Đòi tài sản là quyền sử dụng đất” để “lách luật” tránh áp dụng thời hiệu khởi kiện và được Tòa án thụ lý. Việc Tòa án thụ lý trong những trường hợp này đã gây xung đột quyền lợi giữa các đương sự.

Có những trường hợp sau khi giao kết hợp đồng thì bên nhận chuyển nhượng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó đã chuyển nhượng sang cho người thứ ba hoặc thế chấp ngân hàng. Trong trường hợp này, hợp đồng ban đầu có thể vô hiệu nhưng việc giao dịch giữa bên nhận chuyển nhượng với bên thứ ba là ngay tình, không bị vô hiệu. Do đó, khi Tòa án thụ lý và giải quyết trong trường hợp này sẽ gây xung đột quyền và lợi ích cho các đương sự có liên quan.

Tin tức khác

Thế Nào Là Đất Đai Hộ Gia Đình ? Sổ Đỏ Cấp Cho Hộ Gia Đình Ghi Như Thế Nào ?

Thế Nào Là Đất Đai Hộ Gia Đình ? Sổ Đỏ Cấp Cho Hộ Gia Đình Ghi Như Thế Nào ?

Tôi có thắc mắc muốn được hỏi rằng thế nào là đất đai hộ gia đình ? Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình ghi như thế nào ? Rất mong được Quý Văn phòng hỗ trợ, giải đáp, xin cảm ơn ! Đây là câu hỏi của bạn Hiếu đến từ Tuyên Quang.

Đất Khai Hoang Là Gì ? Đất Khai Hoang Có Được Cấp Giấy Chứng Nhận Hoặc Đền Bù Hay Không ?

Đất Khai Hoang Là Gì ? Đất Khai Hoang Có Được Cấp Giấy Chứng Nhận Hoặc Đền Bù Hay Không ?

Đất khai hoang là cách hiểu thông thường của người dân đối các loại đất sử dụng do lấn chiếm đất. Trong bài viết dưới đây, VPLS Quang Dũng và Cộng sự sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản nhất về đất khai hoang là gì và đất khai hoang có được cấp sổ đỏ hoặc đền bù hay không ?

Không Có Hộ Khẩu Có Được Đền Bù Tái Định Cư Khi Thu Hồi Đất ?

Không Có Hộ Khẩu Có Được Đền Bù Tái Định Cư Khi Thu Hồi Đất ?

Bố trí tái định cư được thực hiện khi người bị thu hồi đất đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Vậy, không có hộ khẩu có được tái định cư không ?